Hanet giới thiệu sản phẩm HANET AI Camera
Cty Hanet vừa ra mắt dòng sản phẩm Hanet AI Camera ứng dụng công nghệ trí tuệ nhân tạo (AI), đồng thời hợp tác với nền tảng quản lý nhân sự Tanca.io để hỗ trợ doanh nghiệp cải thiện hiệu quả chấm công hằng ngày.
Theo công bố của hãng, sau hai năm nghiên cứu, dòng camera mới có khả năng nhận diện với tốc độ dưới 0,25 giây trong khoảng cách từ 1-4m, kể cả khi đối tượng đeo khẩu trang và mắt kính trong điều kiện ánh sáng lý tưởng.
Bằng việc tích hợp AI, việc xử lý nhận diện sẽ được thực hiện trên camera, sau đó truyền tải về cloud (đám mây) do Hanet cung ứng hoặc kết nối với cloud của khách hàng tuỳ nhu cầu.
Hanet đã thử nghiệm camera AI trên các khách hàng của nền tảng quản lý nhân sự Tanca.io, với kỳ vọng thay đổi cách thức chấm công của doanh nghiệp. Theo đó camera sẽ giúp giải quyết vấn đề nhân viên quên chấm công, hạn chế hành vi chấm công giả, phàn nàn về lỗi chấm công, giúp tiết kiệm thời gian chấm công mỗi ngày.
Ông Võ Đức Thọ, tổng giám đốc công ty Hanet tại buổi ra mắt sản phẩm chiều ngày 24.11. Ảnh: Tanca cung cấp.
Việc đối soát dữ liệu của Hanet và Tanca sẽ được thực hiện hai lần mỗi ngày, trong khi Tanca không thể xem camera của khách hàng nếu không được cho phép mở port camera. Dữ liệu video được lưu trữ trên cloud trong vòng ba tháng, lịch sử ra vào lưu trữ một năm.
“AI camera đã góp phần tăng hiệu suất làm việc của nhân viên: thời gian làm việc tăng, số lượng đi trễ giảm và thúc đẩy sự minh bạch của tổ chức. AI camera có thể trở thành công cụ trọng tâm của chuyển đổi số doanh nghiệp,” ông Trần Viết Quân, nhà sáng lập Tanca.io chia sẻ.
Dòng camera của Hanet cũng có thể dùng trong các gia đình để kiểm soát an ninh. Trong trường hợp người lạ xâm nhập, hệ thống sẽ báo động cho các thành viên trong gia đình sau 10 giây thông qua cuộc gọi cảnh báo trên ứng dụng điện thoại Hanet Connect. Hiện chức năng an ninh đang trong giai đoạn beta và sẽ sớm hoàn thiện trong thời gian tới.
“Tiềm năng của AI còn có thể khai thác được rất nhiều như ghi nhận sự có mặt, phân loại và nhận biết khách hàng, nắm bắt được thói quen mua sắm của khách hàng, kiểm soát các khu vực cấm, kiểm soát an ninh cho trẻ em, học sinh…,” theo ông Võ Đức Thọ, tổng giám đốc công ty Hanet.
Giữa tháng 11 vừa qua, một công ty công nghệ khác của Việt Nam là Bkav đã xuất khẩu lô camera an ninh ứng dụng AI đầu tiên sang Mỹ. Theo đó sản phẩm sẽ được lắp đặt tại trụ sở chính của Qualcomm và hiện diện trong một dự án triển khai thành phố thông minh của công ty.
Cùng với Mỹ, Bkav cũng đang xúc tiến hàng loạt dự án camera AI tại Ấn Độ, Mexico, Malaysia, Việt Nam…, tham gia các dự án về trạm thu phí, thành phố thông minh, trường học thông minh.
Theo báo cáo của công ty nghiên cứu thị trường 6W Research, Việt Nam là thị trường hệ thống giám sát an ninh có tốc độ tăng trưởng cao nhất khu vực Đông Nam Á với tốc độ tăng trưởng kép hằng năm CAGR đạt 12,4% trong giai đoạn 2016-2022.
Trong khi đó công ty nghiên cứu thị trường Maximize ước tính khu vực châu Á – Thái Bình Dương chiếm 38% thị phần CCTV toàn cầu năm 2019 với CAGR đạt 16,23% trong năm 2019.